Việc chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã Phục Linh (huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) đã bước đầu mang lại hiệu quả tốt. Xây dựng chính quyền số không chỉ tạo thuận lợi, tiết kiệm chi phí, thời gian trong chỉ đạo, điều hành mà còn giúp việc làng, việc xã trơn tru hơn..

Xây dựng chính quyền số

Xu hướng bigdata

 

Xã Phục Linh (huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số tương đối đông, chiếm 30% dân số của xã. Mặc dù vậy, trình độ nhận thức của người dân nơi đây không có sự chênh lệch quá nhiều.

Dù không phải là xã nằm trong kế hoạch xây dựng nông thôn mới nâng cao năm 2023 của huyện Đại Từ, tuy nhiên địa phương này cũng đang tích cực triển khai và nâng cao các tiêu chí, trong đó có chuyển đổi số trong nông thôn mới.
Việc ứng dụng chuyển đổi số đã mang lại những kết quả tích cực về mọi mặt trên địa bàn xã Phục Linh, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Clip: Hà Thanh.
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Trương Văn Đoàn – Chủ tịch UBND xã Phục Linh cho biết, chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới được xác định là nhiệm vụ trọng tâm của địa phương. Việc chuyển đổi số đã bước đầu mang lại những kết quả tích cực.

Mở trang thông tin điện tử xã Phục Linh, ông Đoàn giới thiệu: “Hiện nay xã đã bắt đầu tuyên truyền thông tin qua nền tảng internet. Đây là trang thông tin của xã, được thành lập từ năm 2021. Trên trang thông tin này thường xuyên cập nhật các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, văn nghệ, các chỉ đạo của địa phương để người dân kịp thời tiếp cận và nắm bắt. Đây cũng là một kênh thông tin tuyên truyền hiệu quả cho người dân, đặc biệt trong vấn đề xây dựng nông thôn mới ở đây”.
Bên cạnh tuyên truyền qua trang thông tin, xã cũng tuyên truyền thông qua các nền tảng mạng xã hội để việc chỉ đạo đến các xóm, xã nhanh chóng, giúp giảm thiểu các giấy tờ, thủ tục hành chính rườm rà.

Xóm Mận (xã Phục Linh, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) là xóm có địa bàn rộng với tổng diện tích 110ha, có 235 hộ dân và 853 nhân khẩu. Hiện nay, việc chuyển đổi số trên địa bàn xóm được thực hiện tương đối tốt.
Ông Nguyễn Đình Trang – Bí thư Chi bộ xóm Mận (xã Phục Linh, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) chia sẻ, hiện nay việc triển khai công việc của xóm đều được thực hiện thông qua các nhóm zalo. Đồng thời, thông qua các nhóm zalo, xóm cũng có thể nhanh chóng nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân.

Xóm Mận có 28 đảng viên, chủ yếu là bộ đội, công nhân nghỉ hưu và một số đảng viên cao tuổi. Các Đảng viên hiện đều được hướng dẫn cài đặt “Sổ tay Đảng viên điện tử” để có thể tiếp cận kịp thời các thông tin, tài liệu, nghiệp vụ công tác xây dựng Đảng, định hướng nội dung công tác tư tưởng, sinh hoạt thường kỳ…
“Hiện nay, việc triển khai sinh hoạt, hội họp của chi bộ đều được thông báo trên nhóm zalo. Hoặc những công văn, chỉ thị của cấp trên khi chưa kịp họp để triển khai, chúng tôi cũng đưa lên nhóm zalo để các đảng viên nắm được nên rất thuận tiện” – ông Trang cho biết thêm.

Cũng theo ông Trang, hiện chỉ còn một khó khăn duy nhất trong công tác chuyển đổi số tại địa phương đó là việc chi trả trợ cấp xã hội cho người cao tuổi. Do những đối tượng đó là người già yếu, bệnh tật nên việc đi lại gặp khó khăn. Chính vì vậy, chi bộ cũng như ban công tác mặt trận của xóm đã đến từng hộ gia đình để giải thích, phân tích cho họ hiểu rõ vấn đề và hưởng ứng làm theo.

Chuyển đổi số giúp thay đổi diện mạo nông thôn mới

Chủ tịch UBND xã Phục Linh chia sẻ, hiện nay, nhiều người trên địa bàn xã đã ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh. Điển hình như các HTX sản xuất chè trên địa bàn, việc ứng dụng chuyển đổi số đã giúp các HTX tăng năng suất, chất lượng và nâng cao giá trị sản phẩm. Từ đó giúp tăng sản lượng bán ra, nâng cao thu nhập và tạo thêm việc làm cho lao động tại địa phương.

Để hỗ trợ người dân ứng dụng hiệu quả chuyển đổi số trong sản xuất, xã đã giao bộ phận cán bộ văn hóa có hiểu biết và chuyên môn về công nghệ thông tin giúp người dân giải quyết những khó khăn, vướng mắc.
Chị Đào Thị Thức – Giám đốc HTX chè Nhật Thức (xóm Khuôn 2, xã Phục Linh, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) cho biết, chị nhận thấy việc chuyển đổi số đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực. Ví dụ như trước đây, mỗi khi xóm có công việc, người dân đều phải ra nhà văn hóa để họp. Nhưng từ khi có nhóm zalo thông báo tin tức trên đó, những người đi làm ăn xa hoặc bận việc vẫn có thể tiếp cận được thông tin mà không cần mất thời gian đi họp như trước.
“Từ khi được chính quyền xã cũng như các đơn vị hỗ trợ ứng dụng chuyển đổi số đã giúp cho sản lượng chè của HTX ngày một tăng lên, từ đó kéo theo giá trị sản phẩm cũng được nâng lên và sản lượng chè bán ra thị trường ngày càng nhiều” – chị Thức nói.

Ảnh minh hoạ

Bên cạnh đó, để vận động bà con hiến đất mở rộng đường giao thông, xây dựng đường nội đồng, xã đã tập trung tuyên truyền, giúp người dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa, quyền và trách nhiệm của mình trong quá trình xây dựng nông thôn mới.
Việc tuyên truyền không chỉ qua phương thức truyền thống mà còn thông qua trang thông tin điện tử, nhóm zalo, facebook… Do đó, người dân rất đồng tình ủng hộ hiến đất mở đường, đóng góp tiền, ngày công lao động để xây dựng kênh mương, đường giao thông nông thôn…

Ảnh minh hoạ